ĐIỂM DANH NHỮNG "NÀNG" ĐÁ MONG MANH DỄ VỠ
Đăng ngày 22/05/2019 by Gia Khánh
* * *
Trong làng đá, một số “thanh niên cứng” có thể kể đến như Diamon, Ruby, Sapphire, Emerald… Khỏi giới thiệu thì chắc mọi người cũng ít nhiều biết đến giá trị của những loại đá “khét tiếng” này rồi
Để sử dụng làm trang sức hoặc chế tác đá cảnh, thông thường đá nguyên liệu phải có độ cứng từ 5 trở lên mới tạm đủ độ bền. Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt, những loại đá độ cứng thấp hơn 5 vẫn được sử dụng. “Trường hợp đặc biệt” ở đây có thể do đá đó có màu sắc hoặc vân quá đẹp, hay do các loại đá cứng tương đương có giá quá đắt... Ở đây không có sự lừa lọc, đó vẫn là đá tự nhiên, thế nhưng nếu là người bán có tâm thì nên nói cho người mua để họ tự quyết định. Với những ai tính hơi ẩu một tí lỡ để va chạm chút mà viên đá đã sứt mẻ thì có vẻ hơi lãng phí. Chính vì vậy, bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu đó là những loại đá nào mềm nhưng vẫn được dùng làm trang sức, bày bàn hiện nay
Canxit - Ngọc Hoàng Long:
Canxit có rất nhiều màu, nhưng phổ biến nhất là màu vàng để thay thế cho thạch anh vàng (thạch anh vàng giá quá đắt)
Fluorite:
Chân thành mà nói Fluorite là 1 cô nàng thật sự xinh đẹp, chúng có nhiều màu, trải dài từ hồng, vàng ánh kim, xanh lá cây lục bảo, xanh biruza và tím… vân đá đẹp và chất đá trong. Nếu không phải do Fluorite quá mềm thì chắc hẳn đây là một viên ngọc quý của thế giới
Malachite - Đá lông công:
Đá Lông Công có tên khoa học là Malachite, tên gọi ấy bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ: Malache có nghĩa là “Cây cầm quỳ”. Màu xanh lá đặc trưng của viên đá là do hợp chất của đồng, màu sắc của viên đá thường dao động từ xanh nhạt – xanh lý – xanh lá cây sẫm. Trên nền đá xuất hiện các vân tròn như bộ cánh của loài công, đấy là lý do dù đá Lông Công có độ cứng thấp, chỉ đạt 3,5 – 4 trên thang Mohs nhưng vẫn được nhiều bên sử dụng làm trang sức như mặt vòng, nhẫn, vòng tay… Tất nhiên người đeo cần phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để viên đá tránh trầy xước, kể cả va chạm nhẹ
Đá Văn Chấn:
Loại này được khai thác chủ yếu ở vùng Văn Chấn – Yên Bái. Đá Văn Chấn thực chất là sự kết hợp của một số loại đá như Calcite, Serpentine … Do có vân đá đẹp, giá thành rẻ nên thường được dùng làm đá cảnh
Rhodochrosite - Đá Đào Hoa:
Với những cô nàng yêu cái đẹp, mến cái xinh thì hẳn nhiên bị thu hút ngay bởi màu sắc tươi tắn của loại đá Rhodochrosite, với cái tên Việt thật mĩ miều “đá Đào Hoa”. Tên gọi Rhodochrosite bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “Rhoson” có nghĩa là Bông hồng, và “Chroma” có nghĩa là màu sắc. Người Hy Lạp tin rằng đá đào hoa chính là linh hồn của bông hoa hồng đã ngấm vào trong đá và tạo nên một loại đá vô cùng tuyệt đẹp. Tuy vậy, loại đá này rất bở và có độ cứng thấp: 3,5 - 4 ( trên thang đo độ cứng Mohs), sau một khoảng thời gian đeo, bạn sẽ thấy màu đá bị nhợt nhạt dần, có khi bụi đá cũng rơi ra vì sự liên kết của các phần tử bên trong yếu
Cần lưu ý gì khi đeo những loại đá mềm này?
♦ Không bỏ chung các loại đá mềm này với các loại đá khác, do mỗi đá đều có độ cứng khác nhau, nên đá cứng hơn có thể làm xước bề mặt của đá mềm. Khi đi bơi, tắm biển, lau dọn nhà cửa, rửa bát, giặt giũ, uốn, nhuộm, ép tóc… nên tháo trang sức đá để tránh các loại hóa chất tiếp xúc với đá, có thể làm mờ, bẩn đá
♦ Không nên đeo trang sức liên tục cả ngày, đi ngủ nên bỏ ra, nhất là khi hoạt động mạnh, chơi thể thao, làm công việc nặng. Vì quá trình di chuyển, hoạt động cọ xát dễ làm đá bị xước, mất đi độ bóng. Tốt nhất là làm vật trang trí bày trong nhà thôi, mang trên người cũng rất nhanh hỏng
♦ Tránh tiếp xúc với các hóa chất như xà bông, sữa tắm (các chất tẩy sẽ ăn mòn bề mặt đá, làm cho đá bị xỉn màu) hoặc các loại mỹ phẩm. Vì một số thành phần hóa học trong mỹ phẩm có thể phản ứng với đá làm biến màu nhanh chóng hoặc bám bẩn trên bề mặt đá
► Thay vì phải chú ý dè chừng khi đeo như vậy thì bạn chuyển hẳn qua dùng Ngọc hoặc Thạch anh, vừa có giá thành ngang với các loại đá trên, lại có năng lượng phong thủy mạnh, độ cứng cao, chẳng phải lo lắng viên đá dễ trầy xước, bể vỡ lúc nào